Độc quyền cho phép sử dụng thuộc về chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan. Vì sao đến nay mới chỉ có giới nhạc sỹ lên tiếng?
Để hiểu rõ thêm quy định pháp luật điều chỉnh quyền quan trọng này, Dân trí xin giới thiệu tới độc giả bài viết của ông Đỗ Khắc Chiến, chuyên gia về sở hữu trí tuệ:
Hiện đang có nhiều ý kiến xung quanh các quy định đề cập đến quyền tác giả và quyền liên quan trong Dự thảo “Nghị định Quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; phát hành, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu” (sau đây gọi tắt là Dự thảo).
Những ý kiến đăng tải trên phương tiện đại chúng gần đây về Dự thảo chủ yếu đề cập đến thủ tục cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, cụ thể làbiểu diễn âm nhạc.
Thực ra thì Dự thảo đặt ra vấn đề rộng và phức tạp hơn nhiều đối với lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan. Trên thực tế, hoạt động thuộc phạm vi điều chỉnh của Dự thảo hầu như luôn luôn gắn liền với viêc sử dụng hoặc làm phát sinh quyền tác giả, quyền liên quan. Nhiều loại đối tượng được bảo hộ theo pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan (không chỉ tác phẩm âm nhạc, sân khấu mà cả tác phẩm văn học, mỹ thuật, múa, điện ảnh, nhiếp ảnh, nghe nhìn; cuộc biểu diễn, bản ghi âm, bản ghi hình, cuộc phát sóng) có thể được sử dụng. Nhiều hình thức sử dụng khác nhau (không chỉ biểu diễn trước công chúng mà cả sao chép, phát sóng, truyền đạt, Internet) có thể được khai thác. Nhiều đối tượng có thể được tạo ra (ví dụ bài nói, bài phát biểu, tác phẩm nhiếp ảnh, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, bản ghi hình, cuộc phát sóng).
Tuy nhiên, để đơn giản việc tìm hiểu các nguyên tắc chung, phần sau đây chỉ đề cập đến độc quyền cho phép sử dụng quyền tác giả (sử dụng tác phẩm dưới hình thức nhất định), với lưu ý rằng đối với độc quyền cho phép sử dụng quyền liên quan thì cách thức và kết quả tìm hiểu cũng tương tự như vậy.
Quy định của Dự thảo
Từ các quy định có liên quan đến quyền tác giả của Dự thảo, có thể rút ra một số điểm đáng chú ý sau đây.
(1) Người sử dụng tác phẩm không phải thỏa thuận hợp đồng sử dụng(theo Điều 48 Luật Sở hữu trí tuệ) với chủ sở hữu quyền tác giả để được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép sử dụng tác phẩm, trước khi sử dụng.
(2) Người sử dụng tác phẩm phải gửi “cam kết thực hiện quyền tác giả” kèm theo đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động theo Điều 7 (biểu diễn nghệ thuât, trình diễn thời trang ) và Điều 20 (phát hành bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu).
(3) Trong trường hợp “tổ chức thi người đẹp, người mẫu”, người sử dụng tác phẩm không phải gửi “cam kết thực hiện quyền tác giả, quyền liên quan” kèm theo đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động (Điều 17, 18).
(4) Trong các trường hợp Dự thảo quy định không phải đề nghị cấp giấy phép hoạt động thì người sử dụng tác phẩm đương nhiên không phải“cam kết thực hiện quyền tác giả” theo bất kỳ hình thức, thủ tục nào.
(5) “Cam kết” trong trường hợp này là một lời hứa đơn phương về trách nhiệm trong tương lai mà nội dung và hình thức không được quy định rõ ràng.
Tóm lại, theo quy định của Dự thảo thì chủ sở hữu quyền tác giả không có bất kỳ một khả năng hoặccơ hội nào để kiểm soát, thậm chí để tham gia kiểm soát việc người khác sử dụng quyền tác giả mà mình là chủ sở hữu.
Vấn đề cần giải quyết
Về quy định của Dự thảo, đang có ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngượcnhau. Một số cho rằng quy định của Dự thảo là phù hợp. Một số khác cho rằng cần phải quy định rõ ràng việc người sử dụng tác phẩm phải thỏa thuậnhợp đồng sử dụng quyền tác giả với chủ sở hữu quyền tác giả trước khi sử dụng. Một số khác nữa cho rằng Dự thảo không cần quy định về quyền tác giả. Tuy nhiên, có thể thấy về thực chất phương án thứ ba và thứ nhất là một, vì quan hệ giữa người sử dụng tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả hoàn toàn giống nhau (không phải là quan hệ xin phép-cho phép).
Như vậy, vấn đề thực chất mà Dự thảo đặt ra và cần được xem xét là chọn phương án nào trong phương án quy định theo Dự thảo và quy định rõ về hợp đồng sử dụng.
Căn cứ để lựa chọn
Căn cứ để quyết định lựa chọn là Điều 3 (Nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật) của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, phải loại bỏ phương án không phù hợp với các nguyên tắc “1. Bảo đảm tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật” và “5. Không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.
Trong trường hợp đang xem xét, “văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật” là văn bản quy phạm pháp luật về quyền tác giả, trong đó Luật Sở hữu trí tuệ là đại diện quan trọng nhất; “điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” bao gồm Công ước Berne và Hiệp định TRIPS (thuộc WTO).
Quy định của Dự thảo không thống nhất với quy định của Luật Sở hữu trí tuệ
Luật Sở hữu trí tuệ xác lập một hệ thống quy định đủ hoàn chỉnh, rõ ràng về quyền tác giả, nhằm mục đích bảo hộ, khai thác sử dụng, quản lý nhà nước, thực thi quyền tác giả. Đó là quy định chung (Phần thứ nhất); quy định về điều kiện và đối tượng bảo hộ (Điều 13, 14, 15); nội dung, giới hạn, thời hạn bảo hộ (Điều 18-27); hành vi xâm phạm quyền tác giả (Điều 28);chủ sở hữu quyền tác giả (Điều 36-42); chuyển nhượng quyền tác giả (Điều 45, 46); chuyển quyền sử dụng quyền tác giả (Điều 47, 48); đăng ký quyền tác giả (Điều 50-55); tổ chức đại diện tập thể, tư vấn, dịch vụ quyền tác giả (Điều 56); bảo vệ (hoặc thực thi) quyền tác giả (Phần thứ năm).
Từ các quy định nêu trên, đối với độc quyền cho phép sử dụng quyền tác giả, có thể rút ra các nguyên tắc cơ bản sau đây:
(1) Chủ sở hữu quyền tác giả có độc quyền cho phép người khác sử dụng quyền tác giả, hoặc, diễn đạt theo cách khác, người sử dụng quyền tác giả phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả (Điều 20).
(2) Hành vi sử dụng quyền tác giả mà không được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép là hành vi xâm phạm quyền tác giả, trừ các trường hợp quy định cụ thể tại Luật Sở hữu trí tuệ hoặc văn bản pháp luật khác (Điều 28)
(3) Việc cho phép hoặc xin phép sử dụng quyền tác giả phải được thực hiện theo phương thức chuyển quyền sử dụng (Điều 47)
(4) Việc chuyển quyền sử dụng phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng văn bản (Điều 48)
(5) Độc quyền cho phép sử dụng quyền tác giả bị giới hạn toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp cụ thể sau đây:
- Điều 7, về giới hạn quyền: độc quyền cho phép bị giới hạn theo quyết định của Nhà nước
- Điều 25 và 26, về ngoại lệ đối với quyền: độc quyền cho phép bị giới hạn toàn bộ hoặc chỉ còn quyền nhận tiền thù lao
(6) Việc thực hiện độc quyền cho phép sử dụng quyền tác giả có thể thông qua tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả bằng ủy quyền (Điều 56)
(7) Chính phủ có thẩm quyền cho phép sử dụng quyền tác giả trong một số trường hợp cụ thể sau đây:
- Nhằm mục tiêu đặc biệt, theo quy định tại khoản 3 Điều 7
- Chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước, theo quy định tại khoản 2 Điều 42
- Tác phẩm thuộc về công chúng, theo quy định tại khoản 3 Điều 43
Như vậy, trừ trường hợp độc quyền cho phép bị giới hạn và thẩm quyền cho phép thuộc Chính phủ, độc quyền cho phép sử dụng quyền tác giả hoàn toàn thuộc về chủ sở hữu quyền tác giả.
Độc quyền cho phép sử dụng quyền tác giả cần được hiểu là bao gồm quyền đặt các điều kiện đối với việc sử dụng, bao gồm việc bảo đảmquyền nhân thân của tác giả; phạm vi lãnh thổ, thời gian sử dụng, khoảntiền thù lao phải trả cho chủ sở hữu quyền tác giả và điều kiện khác. Nội dung các điều kiện sử dụng do các bên liên quan thỏa thuận và quy định trong hợp đồng sử dụng quyền tác giả.
Quy định của Dự thảo không thống nhất với quy định của nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác
Kết quả nghiên cứu, phân tích quy định của hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật có quy định về quyền tác giả cho thấy các nguyên tắc cơ bản về độc quyền cho phép sử dụng quyền tác giả được thể hiện và hướng dẫnthực hiện thống nhất trong tất cả văn bản được tra cứu, bao gồm nhiều Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ Văn hóa-Thông tin
Đặc biệt, Thông tư của Bộ Văn hóa-Thông tin số 27/2001/TT-BVHTT ngày 10 tháng 5 năm 2001 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 76/CP ngỳ 29/11/1996, Nghị định số 60/CP ngày 6/6/1997 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật dân sự” bên cạnh việc hướng dẫn chi tiết việc thực hiện quy định về độc quyền cho phép sử dụng quyền tác giả (Điểm III.2, Điểm IV.3 ) cũng quy định ba loại mẫu hợp đồng về sử dụng tác phẩm, bao gồm:
(1) Phụ lục số 3- Mẫu hợp đồng sử dụng tác phẩm (Trong lĩnh vực biểu diễn)
(3) Phụ lục số 5 - Mẫu hợp đồng sử dụng tác phẩm (Trong lĩnh vực sản xuất băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình, phim và chương trình phát thanh, truyền hình).
Trong phạm vi tra cứu., chưa phát hiện bất kỳ một văn bản quy phạm pháp luật nào có quy định khác với các nguyên tắc cơ bản đã nêu ở trên.
Như vậy, quy định của Dự thảo không phù hợp với nguyên tắc “Bảo đảm tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật” tại Điều 3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Có lẽ văn bản duy nhất được dẫn chiếu làm cơ sở cho quy định của Dự thảo là Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin số 47/2004/QĐ-BVHTT ngày 02 tháng 7 năm 2004 về việc ban hành “quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp”.
Về Quy chế này cần lưu ý như sau. Trong thủ tục và thời gian cấp giấy phép công diễn (Điều 22) không có yêu cầu về hợp đồng sử dụng quyền tác giả, tuy tại điểm 2.5. Điều 12 có quy định nghĩa vụ thực hiện “các quy định của pháp luật về quyền tác giả”. Tuy nhiên, Quy chế không phải là một văn bản quy phạm pháp luật. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Quy chế hẹp hơn nhiều so với Dự thảo. Ngay khi ban hành, Quy chế đã không phù hợp với Thông tư của Bộ Văn hóa-Thông tin số 27/2001/TT-BVHTT dẫn ở trên.
Quy định của Dự thảo không tương thích với quy định của điều ước quốc tế
Độc quyền cho phép sử dụng tác phẩm của tác giả được quy định tại các Điều 8, 9, 11, 11bis, 11ter, 12, 14 Công ước Berne.
Việc bảo hộ các quyền quy định tại Công ước Berne là yêu cầu tối thiểumà các nước thành viên Công ước phải dành cho tác giả của tác phẩm có xuất xứ từ nước thành viên khác, kể cả trong trường hợp phạm vi quyền mà pháp luật dành cho tác giả trong nước hẹp hơn.
Theo quy định tại đoạn 1 Điều 9 Hiệp định TRIPS (thuộc WTO), các Điều 1-21 Công ước Berne (trừ Điều 6bis) có hiệu lực áp dụng đối với mọi thành viên Hiệp định TRIPS, bất kể có là thành viên của Công ước Berne hay không.
Mặc dù quyền của chủ thể từ các thành viên của điều ước quốc tế vẫn có thể được đảm bảo thông qua nguyên tắc áp dụng điều ước quốc tế (Điều 5 Luật Sở hữu trí tuệ) nhưng đó là việc phức tạp, khó khăn.
Như vậy, quy định của Dự thảo không phù hợp với nguyên tắc “Không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” tại Điều 3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Kết luận
Để phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy định liên quan đến độc quyền cho phép sử dụng quyền tác giả của Dự thảo cần được chỉnh sửa theo hướng thống nhất với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và điều ước quốc tế.
Đỗ Khắc Chiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét